EURO và những điều thú vị: Thuở hồng hoang… hiện đại


Lúc 2 giờ ngày 15.6 (giờ VN), quả bóng FUSSBALLLIEBE mang ý nghĩa ‘Tình yêu với bóng đá’, thể hiện sự kết nối sâu sắc giữa trái bóng và tinh thần của môn thể thao vua sẽ chính thức lăn tại nước Đức, đánh dấu kỳ EURO lần thứ 17 tại lục địa già. Trải qua gần tròn 64 năm, EURO là giải bóng đá được theo dõi nhiều thứ hai trên thế giới, chỉ sau World Cup…

So với World Cup và các giải vô địch cấp châu lục khác trên thế giới thì EURO là giải đấu ra đời sau cùng. Cho nên, ngay từ đầu, những câu chuyện kỳ lạ, theo hơi hướng “chưa rành luật chơi” hầu như không hề tồn tại.

EURO CHỈ CÓ… BÓNG ĐÁ

Khác với giải đấu lớn còn lại trong thế giới bóng đá đỉnh cao là World Cup, EURO… chỉ có bóng đá. Không những thế, xuyên suốt trong lịch sử EURO là thứ bóng đá tương đồng một cách cao độ giữa các đội tuyển, với thế trận thường rất cân bằng, tỷ số cách biệt không cao, trong hoàn cảnh gần như tất cả đều có thể thắng nhau bất chấp danh tiếng hoặc bề dày truyền thống.

EURO và những điều thú vị: Thuở hồng hoang... hiện đại

EURO 1968 thu hút sự quan tâm đông đảo của người hâm mộ

UEFA

Lịch sử World Cup có đến hàng trăm câu chuyện “bên lề” thú vị, kiểu như Ấn Độ từng bỏ giải vì không được đá bóng bằng… chân đất; trận đấu tạm ngưng để báo chí vào sân phỏng vấn cầu thủ, khi Brazil ghi bàn đầu tiên tại kỳ World Cup 1950 trên sân nhà của họ; vua Romania ngay sau khi đoạt được ngai vàng thì đích thân tuyển chọn lực lượng đi dự World Cup 1930; hoặc khi Leonidas (Brazil) tung cú vô lê, ghi bàn ở World Cup 1938 trong tư thế… không có chân nào chạm đất, trọng tài phải hội ý xem bàn thắng có hợp lệ hay không. Văn hóa bóng đá và trường phái bóng đá là những vấn đề hết sức phong phú, làm cho World Cup có thêm màu sắc hội hè. EURO không đa dạng như vậy vì cả châu Âu là một nền bóng đá chung (dù tất nhiên vẫn có những khác biệt nhỏ). Nhưng điều quan trọng ở đây là đấu trường EURO “sinh sau đẻ muộn”, ra đời khi thế giới bóng đá nhìn chung đã hoàn chỉnh. Thái độ dè dặt và quá trình chuẩn bị công phu của các thành phần trong cuộc càng làm cho EURO mang tính bóng đá đậm đặc, với chất lượng chuyên môn rất cao ngay từ khi ra đời. Đây là khác biệt lớn nhất giữa EURO với mọi giải đấu đỉnh cao còn lại trên thế giới.

Hơn 30 năm sau khi Tổng thư ký Henri Delauney của LĐBĐ Pháp đề xuất ý tưởng, kỳ EURO đầu tiên mới ra đời, với tên gọi chính thức là “1958 – 1960 European Nations’ Cup”. UEFA đặt tên giải như thế vì tuy VCK được tổ chức vào năm 1960 nhưng các trận vòng loại đã diễn ra từ năm 1958. Về sau, giải này được đổi tên thành “European Championship”. Tên gọi chính thức hiện nay là UEFA EURO (và năm diễn ra VCK). Ví dụ UEFA EURO 2024. Xin được lưu ý: EURO ra đời sau các giải vô địch châu Á, châu Phi, và rất lâu sau World Cup, Copa America (giải vô địch Nam Mỹ).

CÂN BẰNG VÀ ĐẬM CHẤT CHIẾN THUẬT

Giai đoạn sơ khai của EURO gồm 5 lần giải đầu tiên (1958 – 1960, 1964, 1968, 1972, 1976). Đặc điểm chung: VCK của các giải này đều chỉ bao gồm 4 trận, đấu loại trực tiếp: bán kết, chung kết và tranh hạng 3. Trước đó, các đội đá vòng loại, cho đến khi chỉ còn 4 đội thì tề tựu về một nước (phải là một trong những nước chưa bị loại) và đấy chính là VCK. Năm đội bóng khác nhau lần lượt vô địch trong 5 lần giải đầu tiên (Liên Xô năm 1960, Tây Ban Nha năm 1964, Ý năm 1968, Đức năm 1972, Tiệp Khắc năm 1976). Đây chính là sự đồng đều, cân sức, không hề có ở các giải đấu lớn khác như World Cup, Asian Cup, Afcon, Copa America.

Trận đấu đầu tiên trong lịch sử EURO cũng chính là trận đấu có nhiều bàn thắng nhất cho đến tận bây giờ. Trên sân nhà, Pháp đã dẫn trước 3-1, rồi 4-2, nhưng rút cuộc vẫn thua ngược 4-5 trước Nam Tư, vì thủng lưới liên tiếp 3 bàn trong vòng 5 phút (vào chung kết thì đến lượt Nam Tư thua ngược Liên Xô 1-2, sau khi dẫn điểm). Tại VCK EURO 1976, tất cả các trận đấu đều hòa sau 90 phút chính thức, phải phân thắng bại bằng hiệp phụ hoặc loạt sút luân lưu 11 m. Tại VCK EURO 1968, chỉ có 7 bàn thắng được ghi trong 5 trận đấu (sở dĩ có 5 trận là vì trận chung kết EURO 1968 hòa, Ý và Nam Tư phải tái đấu để tranh ngôi vô địch). Tính chiến thuật đã được thể hiện cao độ ở đấu trường EURO ngay từ những giải đấu đầu tiên.

Mãi đến bây giờ, đấu trường vẫn giữ nguyên đặc điểm cơ bản qua bao thời kỳ: rất cân bằng, hầu như mọi kết quả đều có thể xảy ra trong một trận đấu bất kỳ. Có đến 10 đội đã lên ngôi vô địch trong 16 kỳ EURO (World Cup có 8 nhà vô địch sau 22 lần giải). Chưa bao giờ có hai đội bóng gặp lại nhau trong trận chung kết EURO (điều này thì đã xảy ra rất nhiều ở World Cup, Asian Cup, Afcon, Copa America. Ví dụ như trận chung kết World Cup đã nhiều lần là Đức – Argentina hoặc Ý – Brazil). Đặc biệt, EURO là giải đấu duy nhất trên thế giới có đội vô địch World Cup nhưng chưa bao giờ vô địch ở châu lục của mình (đội Anh). Đỉnh điểm của sự cân bằng, với cái gọi là “mọi kết quả đều có thể xảy ra”: chức vô địch EURO 1992 thuộc về đội Đan Mạch, vốn không qua khỏi vòng loại! (còn tiếp)

Thể thức kỳ lạ nhất trong lịch sử

Nếu đôi bên hòa nhau sau 120 phút thì trọng tài sẽ tung đồng xu để quyết định đội đi tiếp. Thể thức này được áp dụng ở vòng bán kết EURO 1968, khi Ý hòa Liên Xô 0-0. Đấy là lần duy nhất trong lịch sử bóng đá đỉnh cao, thể thức kỳ lạ này được áp dụng. Thậm chí, đấy là lần đầu tiên nhưng cũng là lần cuối cùng, ngay tại EURO 1968. Khi Ý lại hòa Nam Tư 1-1 sau 120 phút của trận chung kết thì đôi bên tái đấu 2 ngày sau đó để phân cao thấp (Ý thắng 2-0).

Thủ tục tung đồng xu được tiến hành trong… phòng thay đồ, trước sự chứng kiến của thủ quân và một quan chức thuộc mỗi đội. Trọng tài rút ra một đồng xu. Thủ quân Ý Giacinto Facchetti chọn mặt sau (mặt không có hình người). Rồi trọng tài tung đồng xu. Khán giả trên sân dĩ nhiên cực kỳ hồi hộp vì họ không được xem diễn tiến. Nhìn hành động ăn mừng khi Facchetti bước ra từ phòng thay đồ thì SVĐ San Paolo (nay là SVĐ Diego Armando Maradona) bùng nổ!