EURO và những điều thú vị: Hà Lan và ‘chất thép Suriname’


Có hai cột mốc quan trọng làm thay đổi lịch sử bóng đá Hà Lan. Một là sự xuất hiện của Johan Cruyff. Hai là chức vô địch EURO 1988 với công lớn của thế hệ Ruud Gullit. Cột mốc thứ hai quan trọng hơn nhiều. Vì sao?

KHÁC BIỆT GIỮA HAI TIẾNG VANG

Ngày xưa, bóng đá Hà Lan giỏi lắm là được đánh giá ngang hàng với Bỉ – nền bóng đá láng giềng mà cách đây vài năm còn ăn mừng vị trí số 3 World Cup 2018 như thể họ đã vô địch. Trong lần đầu tham gia vòng loại EURO (1964), Hà Lan thua Luxembourg ở thể thức loại trực tiếp, trước ngưỡng cửa tứ kết! Johan Cruyff khoác áo đội tuyển Hà Lan lần đầu tiên vào năm 1966. Từ đó, đội tuyển này thăng hoa, gây tiếng vang với 2 lần liên tiếp đá trận chung kết World Cup, xen giữa là vị trí số 3 EURO (từ năm 1974 – 1978).

EURO và những điều thú vị: Hà Lan và 'chất thép Suriname'

Đội tuyển Hà Lan vượt nhiều đối thủ hùng mạnh, vô địch EURO 1988

AFP

Nhưng, đấy chỉ là thành công trong thoáng chốc. Triết lý bóng đá tuyệt vời của HLV Rinus Michels, cùng tài năng đồng đều của thế hệ Cruyff đã đưa Hà Lan từ chỗ tầm thường lên hàng cường quốc bóng đá. Rồi Hà Lan lại trở về vị trí cũ sau khi thế hệ Cruyff treo giày. “Cơn lốc màu da cam” rơi vào quên lãng khi liên tiếp vắng mặt ở đấu trường EURO và World Cup trong nửa đầu thập niên 1980.

Tại EURO 1988, sau 8 năm vắng bóng, Hà Lan tái xuất hiện lần đầu tiên tại một giải đấu lớn. Họ đoạt luôn chức vô địch ở kỳ EURO được đánh giá là hay nhất xưa nay (đấy là giải đấu lớn hiếm hoi không có thẻ đỏ, không có tỷ số 0-0, không có trận nào hòa trong 90 phút chính thức ở giai đoạn knock-out, và có bàn thắng đi vào huyền thoại của Marco Van Basten). Kể từ EURO 1988, dù có những lúc mạnh, yếu khác nhau, nhưng bóng đá Hà Lan mãi mãi ở đẳng cấp cao trong bản đồ bóng đá châu Âu và thế giới. Khác biệt quan trọng: EURO 1988 là lần đầu tiên đội tuyển Hà Lan giới thiệu các tuyển thủ gốc Suriname. Cũng kể từ đó, cầu thủ gốc Suriname hầu như không bao giờ vắng bóng trong đội tuyển Hà Lan nữa.

EURO và những điều thú vị: Hà Lan và 'chất thép Suriname'

Gullit và Van Basten (phải), hai cực phẩm của bóng đá Hà Lan

 

Có hẳn một làn sóng di dân từ thuộc địa cũ Suriname sang Hà Lan, trước và sau khi nước này tuyên bố độc lập vào năm 1975. Hà Lan chấp nhận tình trạng hai quốc tịch cho người Suriname. Từ đó, những cầu thủ sinh tại Suriname hoặc sinh ở Hà Lan nhưng có nguồn gốc Suriname đều được khoác áo Hà Lan. Họ chơi bóng rất hay, lại bổ sung “chất thép” vốn là yếu tố mà thế hệ tài hoa của Cruyff không bao giờ có. Ruud Gullit, Frank Rijkaard, Gerald Vanenburg, Aaron Winter là các ngôi sao gốc Suriname tại EURO 1988. Sau này lại có Edgar Davids, Patrick Kluivert, Clarence Seedorf, Winston Bogarde, Michael Reiziger, Jimmy Floyd Hasselbaink, Pierre Van Hooijdonk, Nigel de Jong, Georginio Wijnaldum, Virgil Van Dijk… Vì sao cầu thủ gốc Suriname ở Hà Lan lại trở thành “thương hiệu lớn” thì đấy là một câu chuyện khác, cũng rất lý thú.

HÀ LAN MÃI MÃI Ở ĐẲNG CẤP CAO KỂ TỪ EURO 1988

Nổi tiếng hơn cả trong đội hình Hà Lan vô địch EURO 1988 là bộ ba Ruud Gullit, Frank Rijkaard, Marco Van Basten. Gullit và Van Basten khi ấy đã gia nhập AC Milan. Ngay sau EURO 1988, đến lượt Rijkaard tề tựu. Thời ấy, mỗi CLB ở Serie A chỉ được phép mua tối đa 3 cầu thủ ngoại, và Milan chọn mua cả ba tuyển thủ Hà Lan. Gullit và Van Basten ghi bàn giúp Hà Lan thắng Liên Xô 2-0 trong trận chung kết EURO 1988. Năm sau, họ cùng lập cú đúp, giúp Milan thắng Steaua Bucarest 4-0 trong trận chung kết Cúp C1. Rồi đến chung kết Cúp C1 năm 1990 thì Rijkaard ghi bàn duy nhất, giúp Milan thắng Benfica!

Sau này (từ hệ lụy của phán quyết Bosman năm 1995), các CLB thoải mái mua sắm cầu thủ nước ngoài, nên có không ít bộ ba ngôi sao nổi tiếng nơi hàng công của các CLB lớn. Nhưng trong thời kỳ cả châu Âu còn giới hạn số lượng cầu thủ nước ngoài một cách nặng nề thì bộ ba “Hà Lan bay” trong hàng ngũ Milan thật sự nức tiếng. Vẫn xin nhắc lại: có đến 2/3 trong bộ ba huyền thoại vừa nêu – Gullit và Rijkaard – là những ngôi sao gốc Suriname. Tinh thần thi đấu và bản lĩnh của họ là vốn quý mà thế hệ Cruyff không sánh được (thời Cruyff, Hà Lan chơi rất thăng hoa, dẫn Đức trong trận chung kết World Cup 1974 khi chưa có cầu thủ nào của đối phương chạm được vào quả bóng, thế mà rút cuộc vẫn thua). Bây giờ thế giới đại đồng, hầu như đội bóng nào cũng đa sắc tộc rồi. Nhưng trong những năm 1980 – 1990, các ngôi sao gốc Suriname đã góp phần tạo cú hích quan trọng, để rồi bóng đá Hà Lan mãi mãi ở đẳng cấp cao, chứ không mạnh lên một cách nhất thời như trong thập niên 1970 nữa.

Sau chức vô địch EURO 1988, Hà Lan trở thành gương mặt quen thuộc ở hai đấu trường EURO và World Cup. Họ đã nhiều lần lọt vào chung kết hoặc bán kết ở hai giải đấu lớn, chứ không trở về vị trí cũ hoặc rơi vào quên lãng như khi thế hệ Cruyff giải nghệ. Đấy là khác biệt lớn giữa thành tích vô địch EURO 1988 và hai lần dự trận chung kết World Cup trong thập niên 1970 của bóng đá Hà Lan. (còn tiếp)

NHỮNG “CÚ ĐÚP” HIẾM HOI

Đúng một tháng trước khi đội tuyển Hà Lan thắng trận chung kết EURO 1988, CLB Hà Lan PSV Eindhoven cũng đã đoạt Cúp C1 châu Âu. Đây là trường hợp duy nhất trong lịch sử: ĐTQG và CLB cùng một nước lên ngôi vô địch châu Âu trong cùng một năm. Thủ môn Hans Van Breukelen cùng Berry Van Aerle, Gerald Vanenburg, Ronald Koeman, Wim Kieft là những cầu thủ PSV đã lên ngôi vô địch EURO 1988 trong màu áo Hà Lan.

Ngoài 5 cầu thủ vừa nêu, lịch sử còn có 6 cầu thủ khác vô địch EURO và Cúp C1/Champions League trong cùng một mùa bóng. Khác biệt ở chỗ: CLB và ĐTQG của họ không cùng nước. Đầu tiên là Luis Suarez, tuyển thủ Tây Ban Nha khoác áo Inter Milan năm 1964. Sau này có Fernando Torres và Juan Mata (vô địch EURO 2012 trong màu áo Tây Ban Nha, vô địch Champions League cùng Chelsea); Cristiano Ronaldo và Pepe (vô địch EURO 2016 trong màu áo Bồ Đào Nha, vô địch Champions League trong màu áo Real Madrid) và Jorginho (vô địch EURO 2020 trong màu áo Ý, vô địch Champions League 2021 trong màu áo Chelsea. Xin được lưu ý: VCK EURO 2020 bị hoãn đến mùa hè 2021.